Những người sau khi tái sinh chuyển kiếp, ký ức vẫn chưa bị xóa mất mà còn nhớ được rất rõ ràng chi tiết người thân ở kiếp trước của mình, những trường hợp như thế trên thế giới có rất nhiều, và vẫn là chỗ mê chưa thể lý giải của nhân loại…
Tại xã Bình Dương, huyện tự trị dân tộc Động ở Thông Đạo (Trung Quốc) từng xuất hiện một nhóm “người tái sinh”, họ tự nhận là đã trải qua đầu thai mà chuyển sinh đến kiếp này, hơn nữa còn nhớ rất rõ ràng lai lịch của kiếp trước.
Xã Bình Dương nằm ở vùng cực Nam của huyện Thông Đạo, tiếp giáp giữa hai tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây, là một địa phương thần bí, rất ít giao thiệp với bên ngoài. Cách gọi “người tái sinh” kỳ lạ ở vùng đất này đã có từ lâu, người dân địa phương cũng đã nhiều lần tiến hành điều tra, cũng mong muốn giải được bí ẩn này.
Qua lời giới thiệu của một nhân sĩ hiểu rõ sự tình: “Hiện tượng người tái sinh trước đây đã tồn tại, nhưng chưa được tiến hành phân tích và nghiên cứu sâu. Cho dù chúng tôi không thể từ khoa học mà nghiên cứu ra nguyên nhân là gì, nhưng loại hiện tượng văn hóa đặc dị này vô cùng phổ biến. Tại xã Bình Dương của chúng tôi chỉ có hơn 7800 nhân khẩu, nhưng qua điều tra sơ bộ cũng có khoảng 100 người tái sinh như vậy”.
Người tái sinh đó là những người sau khi sinh ra, có thể nói rõ kiếp trước tên họ là gì, nhà ở nơi nào, đã làm qua những việc gì, sống như thế nào, vì sao mà chết, kể ra những người thân thích và hàng xóm xung quanh. Thậm chí có thể tìm được nơi cư trú vào kiếp trước, nơi chôn cất, cũng có người tìm ra người thân của kiếp trước, từ đó tiếp tục tiền duyên.
Ở mảnh đất thần bí Thông Đạo, thỉnh thoảng xuất hiện một loại hiện tượng sinh mệnh luân hồi cực kỳ thần bí. Vài vị giáo sư, chuyên gia có uy tín đã đến khảo sát thực địa và loại trừ được khả năng cả tập thể cùng nói quá sự thật hoặc nói dối, nhận thấy rất có giá trị để nghiên cứu, bèn kiến nghị lập ra “Trạm quan sát người tái sinh ở Thông Đạo”.
Loại “hiện tượng sinh mệnh thần bí” này có lẽ vĩnh viễn là một câu đố, là chỗ mê chưa giải thích được, nó đã trở thành động lực của những người hiếu kỳ đi đến nơi đây.
Trường hợp thứ nhất: Cha vợ chuyển sinh thành cháu
Ngô Hiểu là người thôn Mã Điền ở xã Bình Dương, năm nay 7 tuổi, lúc 3 tuổi, người cha dẫn Ngô Hiểu tới nhà ông cậu để thăm vấn, vừa nhìn thấy ông cậu tuổi tác đã ngoài bảy mươi, Ngô Hiểu lập tức trợn mắt, quơ lấy một chiếc giày trên mặt đất dồn sức đánh ông ấy, trong miệng còn hét lên: “Đánh chết ngươi đứa con rể xấu này, đứa con rể xấu!”.
Hành động đó khiến cho những người lớn có mặt đều kinh ngạc, không biết điều gì đang xảy ra. Về sau, mọi người hỏi đầu đuôi ngọn nguồn, Ngô Hiểu mới nói ra sự thật. Thì ra, kiếp trước Ngô Hiểu là cha vợ của người ông cậu hiện nay. Ngô Hiểu là một đứa trẻ rất thông minh, từ lúc 3 tuổi biết nói thì liên tục nói với người trong nhà rằng mình là cha vợ của ông cậu hiện nay, tên Ngô Thụ Đức.
Ngô Thụ Đức lúc còn sống nuôi 2 con trai và 2 con gái. Người bị Ngô Hiểu đuổi đánh chính là con rể ở kiếp trước. Mà đứa con rể này xác thực từng có không ít lần đắc tội với cha vợ, không thể ngờ cha vợ sau khi chuyển thế còn không tha thứ cho đứa “con rể xấu” này.
Về sau, Ngô Hiểu ở nhà thường cùng ông cậu nhớ lại nhiều chuyện cũ đã qua giữa hai người. Rất nhiều chuyện tựa như mới xảy ra ngày hôm qua, lại hiện ra rõ mồn một trước mắt hai ông cháu.
Trường hợp thứ hai: Heo trắng chuyển thế làm người
Trại Phổ Đầu xã Bình Dương có một bé trai họ Ngô kiếp trước là một con heo trắng, sau khi chuyển thế đầu thai làm người, còn có thể nhận ra một cách chuẩn xác đồ tể Dung Mỗ đã từng giết chết nó, khiến cho địa phương chấn động. Dung Mỗ từ đó thề đời này kiếp này không sát sinh nữa.
Hóa ra, bé trai họ Ngô và đồ tể Dung Mỗ là người trong cùng thôn, lúc bé trai hơn một tuổi, người nhà dẫn cậu bé đi chơi trong thôn, nhưng mỗi lần gặp Dung Mỗ, bé trai lại kêu khóc, giãy dụa, người trong nhà cũng không biết nguyên cớ là gì.
Lúc bé trai vừa được hai, ba tuổi, mỗi khi trông thấy có người đang hái rau làm thức ăn cho heo, cậu bé đều muốn khuyên bảo họ, loại rau nào ăn đắng lắm, loại rau nào ăn cay lắm, hái nhiều quá sẽ ăn không hết,… khiến cho những người lớn cảm thấy rất buồn cười, nói một đứa bé như vậy thì biết gì.
Bé trai càng lớn càng cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy Dung Mỗ. Mỗi lần nhìn thấy đồ tể này, cậu bé đều chạy thục mạng về nhà. Dần dà, người trong thôn cảm giác điều này thật kỳ lạ, liền thử hỏi bé trai vì sao lại sợ hãi đến thế. Cuối cùng, bé trai nói ra một bí mật lớn khiến người nghe kinh sợ.
Nguyên lai, kiếp trước cậu bé chính là một con heo trắng ở nhà ông ngoại. Ngày hôm đó, Dung Mỗ dẫn theo một người đến mua heo, heo trắng thấy không ổn liền liều mình chạy ra bên ngoài, một mạch chạy đến vùng núi sau nhà, nhưng vẫn bị đồ tể đuổi theo bắt lấy, mang về nhà giết thịt và bán đi.
Tin tức này sau khi được truyền ra, một truyền mười, mười truyền trăm, chuyện bé trai là heo trắng chuyển thế ai ai cũng biết. Từ đó về sau, mọi người nhìn thấy bé trai này thì không gọi tên mà gọi là “Tiểu Bạch Trư”. Cái tên này vẫn cứ theo cậu bé đến tận bây giờ.
Trường hợp thứ ba: Chị em tốt từ kiếp trước
22 năm trước, ở trại Đô Lũy dân tộc Động xã Bình Dương có một đôi bạn rất thân thiết, không xa rời nhau. Có một lần, một người ở trong nhà vì bị cha mẹ trách cứ, nảy sinh ý niệm muốn tự tử, không ngờ người kia cũng muốn chết cùng, vì vậy cả hai gom góp tiền mua thuốc độc để tự tử.
Sau đó cả hai cùng đầu thai vào thôn Tân Trại ở nhà cặp vợ chồng Ngô Cục Thông, trở thành một cặp chị em song sinh. Điều này nghe nói giống như một đoạn cổ tích thần thoại, nhưng câu chuyện này xác thực là người thật việc thật.
Cặp chị em song sinh này tên Ngô Sư Thái và Ngô Sư Hàng, người chị Ngô Sư Thái kiếp trước tên là Thạch Bội Thịnh, người em Ngô Sư Hàng kiếp trước tên là Diêu Bội La.
Ngày đó, phóng viên đi vào thôn Tân Trại tới nhà vợ chồng Ngô Cục Thông để thăm hỏi, chủ nhà trả lời rằng, mấy ngày trước khi sinh nở “song tỷ muội” này, nghe người ta nói ở Đô Lũy có một cặp trẻ tuổi uống nông dược tự vẫn. Từ sau đó, người vợ thường thấy trong cơn đau trước khi sinh nở có hai cô gái trẻ bước vào nhà.
Sau khi sinh, quả nhiên là sinh đôi một cặp tỷ muội, lúc ấy cô cũng thật bất ngờ. Về sau, hai tỷ muội dần dần trưởng thành, đã bắt đầu hiểu chuyện, thường kể chuyện năm đó uống nông dược như thế nào, ngã xuống đất như thế nào, được người ta chôn như thế nào,…
Đặc biệt là lúc cha mẹ hai người ở Đô Lũy nghe được câu chuyện này đến thăm, hai chị em càng như gặp lại thân nhân đã xa cách từ lâu, từng đứa chạy đến ôm lấy cha mẹ mình, một hồi lâu vẫn không muốn rời ra. Sau đó, những người ở Đô Lũy đến nhiều hơn, hai chị em kể rất nhiều chuyện cũ đã qua với họ, mỗi câu chuyện đều như mới xảy ra ngày hôm qua, khiến người ta không thể không tin.
Hiện tại, cha mẹ kiếp trước của hai chị em cũng đã ngầm thừa nhận chúng chính là con gái của mình chuyển thế, đối với chúng rất mực yêu thương. Mà hai chị em cũng rất lưu luyến gia đình trước kia của mình, thỉnh thoảng đến nhà ở Đô Lũy để thăm, ở bên cạnh cha mẹ lúc tuổi già để họ hưởng thụ niềm vui gia đình.
Trường hợp thứ tư: Người phụ nữ đặc biệt
Trong những người tái sinh ở xã Bình Dương, huyện Thông Đạo có một người tên là Thạch Thượng Nhân, sinh năm 1962. Người phụ nữ trung niên này có sắc thái thần bí, bà đã hơn mười năm không ăn cơm, mỗi ngày món chính chỉ là nước giếng và một chút rau quả, các loại thịt quyết không đụng vào. Thế mà, mỗi ngày bà vẫn có thể làm việc tay chân bình thường, hơn nữa không cảm thấy mệt mỏi.
Theo mẹ của Thạch Thượng Nhân nhớ lại, lúc bà độ hai ba tuổi, thì nói mình đến từ Huyện Khê, tên trước đây là Diêu Gia An, đã sinh một trai một gái, con trai tên Ngô Xuân, con gái tên Ngô Mai.
Khi phóng viên đến phỏng vấn, Thạch Thượng Nhân cũng không hề tránh né.
Phóng viên: “Kiếp trước bà ở đâu?”
Thạch Thượng Nhân: “Kiếp trước tôi ở bên kia, ở bên Huyện Khê”.
Phóng viên: “Từ lúc nào bà biết đến kiếp trước của mình?”
Thạch Thượng Nhân: “Từ lúc tôi còn nhỏ, lúc có thể bò tới bậc thang, tôi có loại cảm giác này. Tôi cũng không biết đó là kiếp trước”.
Phóng viên: “Người thân trước kia bà còn nhớ không?”
Thạch Thượng Nhân: “Nhớ rõ”.
Phóng viên: “Họ có nhận ra bà không?”
Thạch Thượng Nhân: “Khi được 11 tuổi tôi đã đi nhận họ, họ đều cảm giác tôi hiện tại và quá khứ vô cùng giống nhau, từ lúc đó chúng tôi vẫn thường qua lại”.
Hiện tại, Ngô Mai mặc dù tuổi cao hơn Thạch Thượng Nhân nhưng vẫn gọi bà một tiếng “Mẹ”. Một cách tự nhiên, dù là Ngô Mai gả con gái, hay con trai của Ngô Xuân đi cưới vợ, Thạch Thượng Nhân đều dùng thân phận người mẹ để đưa lễ vật.
Thạch Thượng Nhân nói với phóng viên, vì bà có thể nhớ lại kiếp trước, nên bà đã có hai gia đình, nhưng cũng khiến bà rất phiền não, chính vì cái tình cảm đó của con người, từ nhỏ giống như không có tuổi thơ, cảm thấy sự tình này là sự dày vò lớn. Có lẽ, chính vì nguyên nhân này mà rất nhiều “người tái sinh” đều không muốn nhắc đến sự tình ở kiếp trước.
Natalie, theo Secretchina
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES.,JSC) là công ty mã nguồn mở đầu tiên của Việt Nam sở hữu riêng một mã nguồn mở nổi tiếng và đang được sử dụng ở hàng ngàn website lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực. Wbsite đang hoạt động chính thức: http://vinades.vn/ Ra đời từ hoạt động của tổ chức...