"Hội nghị lần này là hội nghị hành động, trước hết là xây dựng thành công chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số ở Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn sáng nay. Đồng thời, Thủ tướng thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Thủ tướng sẽ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Các thành viên Ủy ban, ngoài Phó thủ tướng và Bộ trưởng các bộ liên quan tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử, còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
"Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy, nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam đã bắt tay xây dựng chính phủ điện tử ngay từ đầu những năm 2000, các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế tốc độ còn chậm, còn nhiều việc triển khai chưa được như mong đợi.
Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xác định và quyết tâm thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn và rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cũng nhận định cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Ngược lại, cách mạng 4.0 đòi hỏi sự chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách, không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội mà phải tạo ra cơ hội với tư duy và phương châm hành động là "bây giờ hoặc không bao giờ".
Ảnh: Ngọc Thắng |
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA - Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn, khẳng định: "Nếu tại 7 kỳ diễn đàn trước, chúng ta tập trung nói về khát vọng, tầm nhìn, thách thức, khó khăn, về những khái niệm, thì lần này chúng ta tập trung vào 'làm': làm gì, làm như thế nào, làm ở đâu, ai chịu trách nhiệm và bao giờ làm xong. Trong giai đoạn hành động, chúng ta cần quyết tâm của cả hệ thống, cần kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, cần đủ nguồn lực, cần cơ chế đảm bảo thực thi, cần sự đồng thuận của các xã hội".
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ tám do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Ban Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức ngày 18/7 tại Hà Nội. Sự kiện năm nay có chủ đề "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số".
Chính phủ số đang được công nhận là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và giảm công sức hao tổn cho cả chính phủ và người dân. Việt Nam đang nỗ lực và quyết tâm cao trong việc hướng tới xây dựng Chính phủ số minh bạch, hiệu quả. Một loạt kế hoạch, chương trình đã được đặt ra với mục tiêu đưa Việt Nam vào Top 4 Asean về dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho biết Hệ thống chính quyền điện tử do FPT xây dựng cho tỉnh Quảng Ninh là một trong những ví dụ điển hình. Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Quảng Ninh tạo được môi trường làm việc liên thông và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số như Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động, điện toán đám mây…) như một phần của việc hiện đại hoá các chiến lược của chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công. Chính phủ số được xây dựng trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế, các hiệp hội và công dân nhằm hỗ trợ việc tạo ra và sử dụng dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Giới thiệu chung Mã nguồn mở NukeViet là sản phẩm của sự làm việc chuyên nghiệp: Để xây dựng lên NukeViet 4, đội ngũ phát triển đã thành lập công ty VINADES.,JSC. Trong quá trình phát triển NukeViet 4, VINADES.,JSC đã hợp tác với nhiều đơn vị cung cấp hosting trong và ngoài nước để thử nghiệm host,...