Người lương thiện được Hải Thần cứu mạng
Trước kia có một người vô cùng nghèo khó, không thể tự nuôi thân mình, nhưng hành xử lại rất cao thượng, chưa bao giờ làm trái pháp luật hay luân thường đạo lý.
Bởi vì anh ta thật sự quá nghèo khó, không có cách nào duy trì cuộc sống được nên đành phải đi làm người hầu cho một số thương nhân.
Những thương nhân này, mang anh chàng nghèo khó theo cùng, đồng loạt ra khơi tìm báu vật. Bọn họ lấy được không ít bảo bối, rồi lại căng buồm trở về. Đi được nửa đường, không biết nguyên nhân gì, chiếc thuyền ngừng lại. Bất kể chèo cách nào cũng không thể làm cho thuyền tiến lên nửa bước.
Các thương nhân vô cùng hoảng sợ, họ tự đoán rằng có thể là do lấy báu vật mà đắc tội với Hải Thần, nên phải chịu trừng phạt. Vì vậy tất cả đều quỳ xuống cầu nguyện, thỉnh cầu Hải Thần có thể tha cho họ một con đường sống. Riêng anh chàng nghèo khó kia, bởi vì từ trước tới giờ chưa từng làm việc trái với lương tâm, cho nên không tham gia cầu nguyện chung với bọn họ.
Chiếc thuyền sở dĩ không thể di chuyển được chính là do Hải Thần can thiệp. Ông muốn trừng phạt những thương nhân dám khinh nhờn mình, muốn khiến chiếc thuyền chìm xuống biển, nhưng trên thuyền lại có anh chàng nghèo khó này, là một người tốt, không thể liên lụy anh ta được.
Hải Thần nghĩ tới nghĩ lui, suy nghĩ suốt bảy ngày, rốt cục nghĩ ra một diệu kế. Hải Thần nghĩ: “Để ta khảo nghiệm những thương nhân này một chút xem sao! Nếu như bọn họ vượt qua được thì ta tạm tha thứ cho. Nếu như bọn họ không vượt qua được, lúc đó ta sẽ trừng phạt, cũng không để liên lụy tới người nghèo kia”.
Chiếc thuyền dừng trên biển suốt bảy ngày, vẫn không nhúc nhích, các thương nhân đều lo lắng. Trong đêm ngày thứ bảy, một thương nhân nằm mộng thấy Hải Thần nói với anh ta: “Chỉ cần các ngươi giao kẻ nghèo khó trên thuyền kia cho ta làm vật hy sinh, ta sẽ thả các ngươi trở về nhà”.
Thương nhân này sau khi tỉnh lại, đã đem giấc mộng kể cho các thương nhân khác. Trong lúc đám thương nhân đang bàn bạc cách xử lý đối với anh chàng nghèo khó này, thì anh cũng đã biết được chuyện.
Anh chàng nghèo khó xúc động nói: “Được rồi! Cứ để tôi làm vật hi sinh cho Hải Thần! Tôi không muốn chỉ vì mình mà làm liên lụy đến mọi người”.
Các thương nhân nghe xong cực kỳ vui mừng, bởi như vậy sẽ tránh được rất nhiều phiền toái. Bọn họ đóng cái bè gỗ nhỏ, trên bè gỗ để chút nước uống và đồ ăn, rồi tiễn người nghèo khó lên bè gỗ. Còn đám thương nhân cứ thế chèo thuyền với đầy vàng bạc châu báu xuất phát trở về, cao hứng bừng bừng, nghênh ngang rời đi.
Hải Thần nhìn thấy tình huống này, liền cuốn lên một ngọn sóng lớn, nhấn chìm hết thuyền của các thương nhân. Các thương nhân đều bỏ mạng nơi bụng cá.
Tiếp đến, Hải Thần lại thổi một cơn gió, mang bè gỗ của người nghèo thẳng vào trong bờ. Anh chàng nghèo khó cứ như vậy mà an toàn trở về nhà đoàn tụ cùng vợ con.
Tiệm cầm đồ thoát tai ương vì làm ăn chân chính
Đầu những năm Gia Tĩnh triều Minh, có một vị tiên sinh họ Kim sở hữu một hiệu cầm đồ ở khu vực buôn bán huyện Nghi Chân, tỉnh Giang Tô ngày nay.
Đó là thời điểm nạn cướp bóc hoành hành. Hầu hết tất cả gia đình giàu có đều bị cướp, ngoại trừ hiệu cầm đồ của Kim tiên sinh.
Quan lại bấy giờ đã nảy sinh nghi ngờ Kim tiên sinh tương thông với thảo khấu. Quan phủ đã tra hỏi những kẻ cướp bị bắt rằng tại sao không cướp cửa hiệu của Kim tiên sinh.
Họ trả lời: “Chúng tôi đã đến đó nhiều lần. Nhưng đều thấy nhiều vị Thần mặc áo giáp vàng chói lóa ở trên nóc nhà, nên chúng tôi sợ và không dám xâm phạm cửa hiệu của ông ấy”.
Các viên quan không tin và lân la dò hỏi thông tin từ những người sống lân cận Kim tiên sinh, bọn họ đều nói: “Kim tiên sinh quả thực là một người đức độ, những chủ hiệu cầm đồ khác thường xuyên lợi dụng cơ hội khi người ta lâm nguy, thừa cơ bắt chẹt. Họ định giá đồ vật thấp hơn mức bình thường và đòi giá cao cắt cổ khi người ta muốn chuộc lại đồ.
Chỉ có duy nhất Kim tiên sinh đối xử với mọi người công bằng, đánh giá giá trị đồ vật rộng lượng, kỳ hạn lại dài; khi gặp gia cảnh khốn khó, thậm chí còn không tính lợi tức. Mùa đông thì không tính lãi của quần áo rét, mùa hè thì không tính lãi quần áo hè, năm nào cũng như vậy, cho nên được các vị Thần bảo hộ”.
Quan huyện khi biết được việc này, đã không ngớt lời khen tụng Kim tiên sinh.
Phúc họa trong đời của một người đều là có nhân có quả, đều là do hành vi của mình quyết định. Chỉ có hành thiện, hướng thiện mới là lựa chọn sáng suốt của một người.
Mỗi cử chỉ, mỗi ý niệm của một người, Thần linh đều biết rõ. Chỉ có thuận theo nhân quả, thiên lý mới được Thượng thiên bảo hộ và che chở. Cho dù là người này ở trong tình huống nguy nan cũng đều được biến nguy thành an.
Chân Chân
>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU
Người dịch Đặng Minh Tuấn