Vì sao người trên 50 tuổi lại già yếu? Trung y cổ đại bàn về sự nguy hiểm của việc phóng túng dục vọng
Thất đức thì thiệt mệnh, đó vốn là một đạo lý mà người xưa hay nhắc đến. Thế nhưng đến ngày nay, quan niệm của con người đã thay đổi và không tin vào điều này nữa. Truyền thống đạo đức xưa nói rằng không nên phóng túng dục vọng. Người xuất gia phải tuân thủ giới luật, phải tuyệt đối cấm dục; người không xuất gia dù là tuân theo tư tưởng Nho gia, hoặc tuân theo mười điều răn dạy của “Kinh Thánh” thì cũng không được phép ngoại tình; đứng từ góc độ tu hành của Đạo gia, sinh hoạt vợ chồng mà không biết tiết chế là điều không thể chấp nhận được. Đây cũng là lời dạy của người xưa cả trong và ngoài nước.
“Tả Truyện”: Phóng túng dục vọng ắt sinh bệnh tật
Những năm đầu Chiêu Công, Tấn Hầu (tức Tấn Bình Công) đến nước Tần mời danh y, Tần Bá liền phái Y Hòa đi coi bệnh cho vua nước Tấn. Sau khi Y Hòa khám bệnh cho Tấn Hầu xong, bèn nói: “Bệnh này của ngài không có cách nào chữa trị, cũng giống như bị trúng độc vậy. Bệnh này không phải do ma quỷ, không phải do ăn uống, mà là do quá gần nữ sắc, bị mê hoặc dẫn đến đánh mất ‘chí'”.
Tấn Bình Công hỏi: “Vậy không thể gần nữ sắc được ư?”.
Y Hòa đáp: “Cần phải tiết chế. Trước đây Thánh Vương sáng tạo ra âm nhạc (chữ ‘nhạc’ và chữ ‘dược’ trong phồn thể có mối liên hệ) là dùng để tiết chế mọi việc. Thế nên âm nhạc có năm âm tiết gồm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, giai điệu trước sau nhanh chậm đều khớp với nhau, đạt đến âm tiết nào rồi thì phải hạ âm xuống, hạ âm liên tục được năm lần rồi thì dừng, không được đàn nữa. Nếu tiếp tục đàn, tay sẽ run, phát ra loại tà âm, mê hoặc thần trí, lấp đầy hai tai khiến người ta quên đi thế nào là hòa bình, người quân tử không nghe loại âm nhạc này”.
“Con người khi đối mặt với sự việc cũng là như thế, khi một việc nào đó khiến người ta phiền não thì phải vứt bỏ nó đi, có như vậy mới không mắc bệnh. Đời sống sinh hoạt vợ chồng của người quân tử muốn hòa hợp thì phải dùng lễ nghi để tiết chế, không thể để tâm mê trí loạn“.
“Nữ sắc vừa khiến các giác quan bị kích thích dẫn đến thân thể khô nóng, vừa khiến người ta tâm thần bất ổn mà trở nên già nua, nếu như không tiết chế sẽ gây ra nhiệt độc, bệnh tật trong cơ thể. Hiện nay Quân vương buông thả dục vọng, không phân biệt ngày đêm, vừa không tiết chế dục vọng của bản thân, vừa không thuận theo quy luật thời gian, sao có thể không sinh bệnh chứ?”
Xét từ góc độ Trung y thì trời là dương đất là âm, dương ở trên âm ở dưới, khi dưỡng sinh người ta cần có tâm trong sạch như trời trong sau mưa, âm tinh phải kiên trung ổn định như đất. Sa vào nữ sắc khiến người ta lưu luyến trầm mê, âm tinh dao động, hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc dưỡng sinh đúng đắn.
“Hoàng Đế nội kinh”: Vì sao những người trên 50 tuổi lại già yếu?
Hoàng Đế hỏi: “Ta nghe nói, tuổi thọ của người thượng cổ thường trên trăm tuổi mà thân thể không hề suy yếu, ngày nay người ta vừa quá năm mươi là đã già yếu. Đây là vì thời đại thay đổi, hay là do con người đã đi sai đường?”
Kỳ Bá đáp: “Người thượng cổ hiểu rằng, lấy âm dương làm gốc, kết hợp với thuật số, ăn uống tiết chế, đời sống sinh hoạt có quy luật, làm việc không quá sức, thế nên tinh thần sảng khoái, dẫn đến thân thể thoải mái, trên trăm tuổi mới lìa trần. Người ngày nay không như thế, họ uống rượu thay nước, xem những việc làm càn quấy là bình thường, say mèm bước vào phòng, buông thả dục vọng xuất hết tinh khí, mất hết sự trong sạch. Người ngày nay không biết bảo vệ thận tinh, không biết phải điều tiết tinh thần, chỉ cầu vui vẻ, đi ngược lại đạo lý, ngày thường sinh hoạt không có quy luật, thế nên vừa quá năm mươi tuổi đã già yếu”.
“…Người thượng cổ chí hướng cao, dục vọng lại ít, tâm tính an hòa, không sợ hãi, làm việc bằng tay chân nên tinh thần không mệt mỏi, tâm bình khí hòa, luôn cảm thấy hài lòng thỏa mãn. Thế nên người thượng cổ ăn cơm đạm bạc, mặc quần áo thoải mái, cuộc sống vui vẻ, không phiền hà, ai nấy đều giản dị mộc mạc”.
“Tuổi thọ của người thượng cổ luôn trên trăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh không già yếu là do sinh hoạt điều độ, bệnh tật không biến thành nguy hiểm”.
Trung y cổ cho rằng buông thả dục vọng là trái đạo lý, giữ tâm trong sáng mới là con đường đúng đắn. Nhưng xã hội hiện đại tình dục tràn lan, coi trọng vật chất, dường như người nào không mưu cầu tình dục, thì cả đời xem như uổng phí.
Thực ra những thứ mang tính dục đó sẽ khiến người ta không còn cảm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. Cũng giống như những người từng trải qua khổ đau sẽ dễ dàng cảm thấy bản thân rất hạnh phúc, người trong trắng sẽ dễ cảm thấy hôn nhân hạnh phúc.
Ngược lại những người buông thả dục vọng thì lòng tham không đáy, không ngừng chạy theo cái gọi là hạnh phúc của cuộc đời, nhưng càng đuổi theo thì dục vọng lại càng lớn, mãi mãi cũng không có được hạnh phúc dài lâu, chỉ càng lún càng sâu, đánh mất đạo đức và làm giảm tuổi thọ.
“Thiên Kim Yếu Phương”: Tôn Tư Mạc nhắc nhở ông lão 70 tuổi tiết chế dục vọng mới có thể bảo toàn mạng sống
Vào năm đầu Trinh Quán, có một lão nông dân hơn bảy mươi tuổi đến hỏi Tôn Tư Mạc: “Dạo gần đây dương khí của lão ngày càng mạnh, ban ngày cũng muốn chung chạ với vợ. Lão thế này, không biết là việc tốt hay việc xấu?”
Tôn Tư Mạc đáp: “Đây là việc xấu! Lão biết đèn dầu chứ? Đèn dầu khi sắp cạn hết dầu thì sẽ tối đi một chút, sau đó lại sáng lên rồi lập tức lụi tàn. Nay lão tuổi già sức yếu, lẽ ra là không còn tinh lực, đột nhiên lại bộc phát như vậy chẳng phải là rất khác thường sao? Ta thực sự rất lo cho lão! Lão phải chú ý đấy!”. Ông lão kia không nghe, bốn mươi ngày sau phát bệnh mà chết.
Tôn Tư Mạc nói: “Người như thế không phải hiếm, ta tạm thời ghi chép lại, để nhắc nhở người đời”.
“Người giỏi về dưỡng sinh, mỗi khi cảm thấy khí dương dồi dào, nhất định phải cẩn thận tiết chế nó, không thể buông thả dục vọng mà làm hại đến bản thân. Nếu như khống chế được dục vọng, giống như dập tắt lửa và thêm dầu vào đèn vậy; còn nếu như không khống chế được dục vọng, tùy ý buông thả thì như dầu trong đèn ngày càng ít đi, sao có thể không đề phòng việc này xảy ra được!”
Nhưng điều đau lòng chính là, những người trẻ không biết đạo lý này, mà dù có biết cũng không chịu làm theo; người ta khi già rồi mới hiểu ra, nhưng đáng tiếc mọi thứ đều quá muộn, khó mà chữa khỏi bệnh được.
Tại sao Trung y lại coi trọng việc giữ tâm trong sạch? Là bởi vì những gì thuộc về bẩm sinh thường rất khó để bổ sung sửa chữa. Nếu chỉ dựa vào việc sử dụng thuốc thì thật sự không đủ để bù vào chỗ thiếu hụt, Trung y cũng đành phải bó tay. Chỉ có thể chú trọng dưỡng sinh, khuyên người ta điều tiết dục vọng, cắt đứt ham muốn, không tiết ra thì chính là được bồi bổ.
Đây không phải là mê tín, y học hiện đại cũng cho rằng chuỗi gen của con người càng ngày càng già và cũ, nếu như bị tổn thương rất khó để hồi phục, việc con người lớn tuổi sẽ yếu đi cũng vì vậy mà trở thành một việc bất khả kháng.
Việc con người già đi, suy yếu là không thể thay đổi được, vậy cách duy nhất để không tu mệnh mà vẫn muốn bảo vệ mạng sống chính là trì hoãn sự suy yếu của tuổi già. Việc buông thả dục vọng cũng giống như một chiếc rìu sắt không ngừng chặt những khúc củi khô, khiến con người nhanh chóng già yếu đi. Y học hiện đại cũng đã phát hiện buông thả dục vọng làm giảm sức đề kháng của người, cơ thể sẽ suy yếu. Trên thực tế, cơ thể luôn trong trạng thái suy nhược chẳng phải là đang làm giảm tuổi thọ hay sao?
Đương nhiên, hiện nay cũng có người xem trọng dục vọng và cố chấp hơn cả mạng sống, cái gọi là “thỏa cơn nghiện rồi chết cũng cam” hòa toàn ngược lại với con đường dưỡng sinh. Việc tiết chế ham muốn này quả thực đem lại nhiều khổ cực, nhưng lại chính là con đường bảo vệ mạng sống.
“Tì Vị Luận” của Lý Đông Viên: Bảo vệ tính mạng quan trọng hơn thỏa mãn ham muốn
Lý Đông Viên từng nói: “Danh tiếng và thân thể, cái nào đi với ta như hình với bóng? Thân thể và lợi ích, cái nào quan trọng hơn?”
“Nếu một người bắt chước Tùy Hầu, dùng kim châu làm đạn để bắn chim nhạn bay trên trời cao ngàn thước, người đời chắc chắn sẽ cười nhạo người đó rằng: sao lại dùng một vật quý giá như vậy để đổi lấy một thứ không hề đáng giá! Thân thể ta vào năm sáu mươi lăm tuổi, mắt và tai đều không còn tốt nữa, kinh mạch cả người đập lộn xộn, tâm tư và sức lực cạn kiệt, mạch khắp cơ thể không ổn định, nhắm mắt lại liền cảm thấy như hồn lìa khỏi xác. Thần sắc của ta tiều tụy hơn trước kia, ăn uống kém đi, ngay cả làm những việc thường ngày hay làm cũng khiến bệnh càng thêm nặng, hiện nay nếu ta có một cơ thể khỏe mạnh, chẳng phải còn quý giá hơn cả viên kim châu của Tùy Hầu hay sao?”
“Nếu như người bệnh có thể sống giản dị mộc mạc, ít nghĩ đến những ham muốn, ít nói lại để mà dưỡng khí, ít lao lực để dưỡng hình, khiêm tốn để duy trì tinh thần, xem nhẹ việc sinh tử được mất, hài lòng với sự sắp đặt của số phận, một khi đã xem nhẹ việc sinh tử được mất, khí huyết trong thân tự nhiên sẽ hài hòa, bệnh tật không còn nơi nương mình thì sao có thể trở nặng được? Nếu như người ta có thể duy trì được trạng thái như vậy có nghĩa là không còn cách xa con đường dưỡng sinh nữa, có thể nói là đã đi đúng hướng rồi”.
Lý Đông Viên là người hiền lành, không giống như một số những bác sĩ thời nay, sau khi có chút danh tiếng thì thà khám cho một bệnh nhân 50 đồng còn hơn khám cho 10 bệnh nhân 5 đồng. Sau khi nổi danh vì y đức của mình, ông quá bận rộn trong việc chữa bệnh cứu người nên bị suy tim. Ông dùng chính bản thân mình để nhắc nhở người đời phải chú trọng sức khỏe, có sức khỏe thì sẽ có được tất cả, nếu như không có sức khỏe thì không có lấy được một phút thoải mái.
Dùng mạng sống của mình để đổi lấy những vật ngoài thân như danh và lợi, vậy đến lúc đó có còn hưởng được nữa chăng? Chỉ những người từng bệnh nặng mới cảm nhận sâu sắc được điều này. Lý Đông Viên xúc động nói rằng, nếu như bản thân ông ít quan tâm đến sự đời hơn, ít nói ít làm việc hơn, bệnh cũng sẽ không nặng đến như thế, cho nên nhắc nhở người bệnh muốn khỏi bệnh thì phải giữ cho lòng thanh thản, xem nhẹ việc sống chết được mất.
Điều này là hoàn toàn đúng, nếu như trong lòng người bệnh có quá nhiều phiền muộn, ăn không ngon ngủ không yên, bệnh của người đó sẽ nhanh khỏi hay sao? Đương nhiên bản thân Lý Đông Viên không làm được điều này, là một đại phu mà lại tự làm hại sức khỏe của mình, đó là bởi vì ông quan tâm đến bệnh nhân hơn cả bản thân chứ không phải do ông không hiểu những đạo lý này.
Có nên buông thả dục vọng hay không? Sinh hoạt vợ chồng có cần phải tiết chế hay không? Trong mắt của người xưa, đây là một đạo lý rất đơn giản, nhưng người ngày nay bị nhiễm những quan niệm sai lầm thì lại không hiểu được. Hy vọng những độc giả có thể nhận thức được sự quan trọng của việc tiết chế ham muốn, hiểu rõ được tâm thái cũng như cảnh giới của những người tu luyện và người xưa.
Tuệ Tâm, theo Secretchina
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
1. Ủng hộ bằng tiền mặt vào Quỹ tài trợ NukeViet Qua tài khoản Paypal: Chuyển khoản ngân hàng trực tiếp: Người đứng tên tài khoản: NGUYEN THE HUNG Số tài khoản: 0031000792053 Loại tài khoản: VND (Việt Nam Đồng) Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải...