Nhiều năm làm công tác thi THPT quốc gia, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng chuyện thi cử tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học đã thử nghiệm đủ "chiêu", từ 3 chung, rồi thi THPT quốc gia 2 trong 1, giao cho đại học tổ chức rồi lại quay về Sở Giáo dục. Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm riêng.
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Về ngắn hạn, ông Dũng cho rằng không nên tính chuyện bỏ hay giữ thi THPT quốc gia, bởi thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến thí sinh. Cái mới chưa kịp định hình, chưa kịp sửa chữa để hoàn thiện mà đã thay thế thì không nên. Song, những tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La cho thấy kẽ hở quá lớn trong công tác coi và chấm thi, gây nên sự bất công, làm giảm sút độ tin cậy của kỳ thi.
Về công tác giám sát coi thi, niêm phong, bảo quản bài thi, theo quan sát của PGS Dũng vài năm nay thấy một số nơi khá cẩu thả, lỏng lẻo. Giấy niêm phong bài thi rất dày, có thể dễ dàng lột ra, lấy bài làm thay đổi rồi dán lại như cũ mà không bị phát hiện.
Đặc biệt tư duy cục bộ, địa phương chủ nghĩa khá đậm nét ở nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng lớn đến sự nghiêm minh, công bằng của kỳ thi. Giảng viên đại học được điều về phối hợp với các Sở Giáo dục, nhưng những vị trí giám thị chủ chốt lại được sắp xếp là người địa phương. Ở một số phòng thi "đặc biệt" còn có những kịch bản được sắp sẵn, tạo thuận lợi cho tiêu cực mà cán bộ từ đại học không thể can thiệp.
"Cần trả việc chủ trì tổ chức kỳ thi cho các đại học, từ việc chủ trì coi thi đến chấm thi, mới đảm bảo sự công bằng. Ngay cả các đại học địa phương cũng không nên phối hợp làm thi tại địa phương đó mà cần sự trao đổi chéo để hạn chế tối đa tính cục bộ, cả nể của người cùng tỉnh thành", ông đề xuất.
Giám thị làm thủ tục trước giờ thi Toán kỳ thi THPT quốc gia tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Cùng suy nghĩ trên, PGS Nguyễn Hội Nghĩa (nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM) khẳng định việc giao kỳ thi THPT quốc gia cho địa phương chủ trì là mạo hiểm. Bởi trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác thi cử cấp quốc gia tại cơ sở chưa tốt và không thể so sánh với các đại học.
Cả nước có 63 tỉnh thành sẽ có vài trăm cán bộ ở các Sở Giáo dục cầm trịch kết quả thi cử của địa phương. Họ lại bị tác động và sức ép nhiều chiều ở địa phương, từ trên xuống (cấp trên), chiều ngang (bạn bè, mối quan hệ xã hội) nên dễ nảy sinh tiêu cực.
Chưa kể bệnh chạy theo thành tích hoặc vì lợi ích nhóm, một bộ phận cán bộ cũng bất chấp để gian dối trong kỳ thi. "Trung thực trong thi cử là phạm trù đạo đức, là chuyện lớn với nhiều người, nhưng với một số ít khác thì đó chỉ là chuyện nhỏ. Nhất là khi biểu hiện không tuân thủ pháp luật đang diễn ra phổ biến trong cuộc sống như một lẽ thường tình", ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông Nghĩa, sau kỳ thi năm 2018, Bộ Giáo dục cần xem xét, rà soát toàn diện kỳ thi để rút kinh nghiệm toàn diện trong công tác ra đề, coi thi. Có những khoản mục phải điều chỉnh, như công tác ra đề, song có những khoản mục phải xóa bỏ đi để làm lại.
Giải pháp trước mắt là giao việc chủ trì thi cử cho các đại học hoặc các trung tâm khảo thí để đảm bảo tính chính xác, khách quan và khoa học. Các cơ sở này, ít nhất, cũng không phải chịu nhiều sức ép như ngành giáo dục ở địa phương.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng năm sau chưa nên tính tới bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Thay vào đó, cần có lộ trình cải tổ kỳ thi, tăng cường cải tiến khâu coi và chấm thi. Cụ thể cần chuyển ngay kỳ thi THPT về cho các đại học chủ trì, như năm 2015. Biện pháp này sẽ hạn chế phần lớn khả năng tiêu cực.
Về định hướng lâu dài hơn, phải để kỳ thi này thực sự đánh giá năng lực của học sinh và giúp các trường đại học, cao đẳng có thước đo để tuyển sinh. Nếu như vậy thì không nhất thiết đặt nặng mục tiêu "2 trong 1", phần công nhận tốt nghiệp phổ thông có thể giao cho các Sở Giáo dục thực hiện, kết hợp quá trình học và các bài kiểm tra định kỳ.
"Với mục tiêu tuyển sinh thì để các trường đại học chủ động thực hiện, lâu dài cần tiến tới chuyên nghiệp hơn với các trung tâm khảo thí cấp quốc gia độc lập. Cần tách riêng hai mục tiêu thi và tuyển, điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới", ông Chính nói.
Biện pháp căn cơ nhất với kỳ thi cấp quốc gia, theo TS Chính, là phải nhẹ nhàng và xác định đó không phải là mục đích cuối cùng của học sinh hay các trường THPT suốt 12 năm. Muốn như vậy, khâu ra đề thi cần vừa sức, trong quá trình học cần hướng dẫn học sinh, các địa phương không chạy theo thành tích và phải chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh nói về 6 sai phạm ở Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La. Video: Dương Tâm
Đề xuất niêm phong tại chỗ phiếu trắc nghiệm THPT quốc gia "Thực ra, trước khi kỳ thi bắt đầu, tôi đã chỉ ra kẽ hở chết người trong việc tổ chức thi trắc nghiệm như hiện nay, nhưng không được lắng nghe", ông PGS Đỗ Văn Dũng nói và giải thích việc phiếu trả lời trắc nghiệm được tô bằng bút chì, dễ dàng tẩy xóa sẽ khiến kẻ xấu lợi dụng, dễ dàng "đổi trắng thay đen". Ông Dũng đề xuất, cần thiết kế phiếu trả lời trắc nghiệm có lớp keo trong ở mặt dưới, có thể lột ra dễ dàng như keo hai mặt. Trước khi nộp bài cho giám thị, thí sinh gỡ lớp keo trong này dán lên mặt phiếu trả lời. Lớp keo đặc biệt được thiết kế sao cho không thể bóc ra, vì bóc ra thì rách giấy trả lời. Việc này được xem như cách "niêm phong" chắc chắn bài làm, thí sinh nào tô sai phương án hoặc để trống thì người khác cũng không thể can thiệp để thay đổi được. Với môn tự luận Ngữ văn, ông đề xuất ban hành quy định thí sinh nào để giấy trắng thì trước khi nộp bài phải gạch chéo các tờ giấy bài làm đó. Cách này cũng triệt tiêu việc rút bài thi để trắng sau đó viết vào. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Giới thiệu khái quát NukeViet là một ứng dụng trên nền web có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Phiên bản đang được phát hành theo giấy phép phần mềm tự do nguồn mở có tên gọi đầy đủ là NukeViet CMS gồm 2 phần chính là phần nhân (core) của hệ thống NukeViet và nhóm chức năng quản trị nội...