Ngày 24/7, trả lời báo chí về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xảy ra những gian lận thi cử như ở Hà Giang, Sơn La, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tất cả vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ thì Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, ông Nhạ nói ông đã cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo xác minh, thành lập tổ công tác về địa phương làm rõ các dấu hiệu sai phạm. Tổ công tác đã làm việc xuyên đêm để đưa ra kết luận nhanh và chính xác nhất.
"Trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ Giáo dục phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định Bộ đã làm bằng quyết tâm cao nhất", ông Nhạ nói và cho biết khi phát hiện những sai phạm tại hai tỉnh trên, quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý theo đúng quy chế thi và pháp luật.
Tại Hà Giang, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Về phía ngành giáo dục, ông đã đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm.
Bộ trưởng Giáo dục nói về gian lận thi cử ở một số địa phương. Video: VTV
'Quy chế thi và kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện'
Lý giải nguyên nhân dẫn tới gian lận thi cử, Bộ trưởng Nhạ khẳng định qua từng năm quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, Bộ đã ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức thi, tập huấn nghiệp vụ, vận hành các phần mềm quản lý thi, chấm thi. Việc thanh tra, giám sát cũng được tập huấn và thực hiện liên tục trước, trong và sau kỳ thi.
Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ Giáo dục sẽ rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Trước ý kiến giao kỳ thi về địa phương làm phát sinh nhiều tiêu cực, Bộ trưởng Giáo dục khẳng định việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn tổ chức kỳ thi những năm qua.
"Những năm trước đây, nhiều gia đình phải vất vả đưa con về thành phố lớn dự thi đại học, có khi phải bán cả gia sản mới đủ tiền đưa con đi thi thì nay đã hoàn toàn khác. Đây cũng là lý do để việc đổi mới thi trong những năm qua nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội", ông Nhạ khẳng định.
Từ hai năm nay, phần lớn bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề riêng. Bài thi tự luận môn Ngữ văn với cách ra đề mở đã hạn chế tối đa gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Vì vậy, việc coi thi ở địa phương đã cơ bản đảm bảo được tính nghiêm túc, an toàn.
Ông Nhạ cho biết đã có văn bản yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh thành rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi tại địa phương, nhất là coi thi, chấm thi. Sắp tới, Bộ sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi trên tinh thần trung thực và cầu thị.
Bộ cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Quy trình chấm thi (bao gồm cả phần mềm chấm thi) đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả thi cũng đang được hoàn thiện.
Đặc biệt, Bộ sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy chế và quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm sẽ có tác dụng trong việc răn đe đối với những người tham gia trực tiếp vào các khâu của kỳ thi những năm tiếp theo.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chính thức lên tiếng sau gian lận thi cử với quy mô lớn ở Hà Giang và Sơn La.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Sau hai năm đầu thi theo cụm, do các trường đại học chủ trì, từ năm 2017, dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi được giao cho các Sở Giáo dục chủ trì, trường đại học chỉ giữ vai trò phối hợp. Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi. Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương, Trưởng phòng Khảo thí của Sở Giáo dục Hà Giang đã bị bắt vì trực tiếp sửa điểm. Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Tên gọi: NukeViet phát âm là [Nu-Ke-Việt], đây là cách đọc riêng, không phải là cách phát âm chuẩn của tiếng Anh. Ý nghĩa: NukeViet là từ ghép từ chữ Nuke và Việt Nam. Sở dĩ có tên gọi này là vì phiên bản 1.0 và 2.0 của NukeViet được phát triển từ mã nguồn mở PHP-Nuke. Mặc dù từ phiên bản 3.0,...