Mạng thông tin RSS FEED

https://mocfun.net


Vì sao phụ huynh Hà Tĩnh phải bốc thăm chọn trường mầm non?

Ngoài việc được giao chỉ tiêu thiếu định biên giáo viên, một số trường mầm non ở Hà Tĩnh cơ sở vật chất yếu, buộc phải cắt giảm số lớp.

Hơn một tuần nữa là bước vào năm học mới, nhiều trường mầm non ở TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn đang lúng túng trong tuyển sinh.

Thành phố có 16 trường mầm non công lập, 7 trường mầm non tư thục. Năm nay, khoảng 2.000 trẻ có nhu cầu vào nhà trẻ, khối công lập đã tuyển được 1.000, tư thục 650. Hiện còn hơn 300 em muốn học công lập nhưng chưa được đáp ứng. Để giải quyết, nhiều trường tổ chức cho phụ huynh bốc thăm, khiến phụ huynh bức xúc, hiệu trưởng thì áy náy không biết giải quyết thế nào.

Ông Nguyễn Trường Thư, chuyên viên Phòng Giáo dục TP Hà Tĩnh, giải thích nguyên nhân cắt giảm số lớp mầm non là UBND tỉnh Hà Tĩnh giao thiếu chỉ tiêu biên chế. Năm ngoái thiếu 10 giáo viên, năm nay thiếu gần 20 người. Tỉnh bù thêm cho địa bàn 16 giáo viên cho năm học mới, song vẫn chưa đủ. 

"Định biên giáo viên mầm non của địa bàn là 290 người, hiện chỉ có 270. Việc thiếu giáo viên không phải do khó tuyển mà là quy hoạch tổng thể nhằm giảm biên chế", ông Thư nói.

Một buổi bốc thăm chọn trường mầm trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Một buổi bốc thăm chọn trường mầm trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Cô Văn Thị Hà, Hiệu phó trường Mầm non Trần Phú thông tin, từ nhiều năm nay, nhà trường luôn thiếu giáo viên. Trường có 37 người gồm cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà bếp. Vừa rồi thành phố đề nghị giảm lớp, trường phải tạm cho nghỉ việc 7 giáo viên hợp đồng, hiện còn 22 người đứng lớp.

Năm nay trường Trần Phú chỉ được phép tuyển đầu vào 75 em cho 3 lớp, song hiện mới được khoảng 2 lớp, còn thiếu 25 em, trong khi đó số lượng hồ sơ nộp vào là 55, chưa kể hồ sơ tạm trú.

"Trước kia, Phòng Giáo dục cho phép tuyển giáo viên hợp đồng nên có thể mở thêm lớp, nay cắt giảm thì buộc phải cho họ nghỉ, bởi giữ lại thì không có kinh phí trả lương", cô Hà nói và cho hay, với số học sinh có nhu cầu chưa được vào trường, sắp tới nếu bí quá thì trường phải để cho phụ huynh bốc thăm.

Nữ Hiệu phó tâm sự, đa số trẻ đều là người địa bàn, bố mẹ luôn tham gia đầy đủ các nghĩa vụ, nên nếu tổ chức bốc thăm cũng rất là áy náy. Trước mắt trường sẽ ưu tiên cho con hộ nghèo, cận nghèo, những trường hợp khác tùy vào may rủi. "Tôi thấy buồn, không biết trả lời phụ huynh như thế nào khi họ hỏi: Con tôi không học ở đây thì học ở đâu", cô Hà kể.

Ngoài việc không được giao đủ chỉ tiêu giáo viên, một số trường ở TP Hà Tĩnh có hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, phải giảm số lớp. Trường Mầm non Thạch Linh có hai dãy nhà xây vài chục năm, khi lũ nước ngập phân nửa. Trường hiện không có phòng cho hai hiệu phó, phải mượn tạm phòng chức năng để làm việc.

Tại buổi thảo luận giữa chính quyền, nhà trường, phụ huynh ba hôm trước, lãnh đạo phường đề xuất nếu được tuyển thêm học sinh trong năm học này thì sẽ mượn tạm Trạm Y tế cũ phường Thạch Linh, cải tạo lại cho các cháu học.

Trạm Y tế cũ của phường Thạch Linh, nơi lãnh đạo phường đề xuất cải tạo để làm lớp học cho các cháu. Ảnh: Đức Hùng

Trạm Y tế cũ của phường Thạch Linh, nơi lãnh đạo phường đề xuất cải tạo để làm lớp học cho các cháu. Ảnh: Đức Hùng

"Trường thiếu vài chục chỉ tiêu, trong khi số hồ sơ nộp vào gần 100. Sắp tới nếu được tuyển thêm thì phải đề xuất cấp trên có phương án khác, chứ không thể để các cháu học ở trạm y tế cũ như đề xuất, bởi nơi đó không tương hợp, kinh phí để cải tạo cũng tốn kém", Hiệu phó Dương Thị Chương nói.

Khác với trường mầm non Thạch Linh, trường Tân Giang có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, vừa xây thêm một dãy nhà học mới song cũng buộc cắt giảm chỉ tiêu vì chỉ thị của cấp trên. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: "Việc giảm chỉ tiêu ở trường mầm non công lập có phải là cách để chia học sinh sang các trường tư thục, bởi số trường mầm non tư thục ở địa bàn đang tăng?".

Ông Nguyễn Trường Thư cho rằng phụ huynh suy nghĩ như vậy là không đúng, bởi không ai ép họ phải cho con học ở trường này trường nọ. Hơn nữa tổng số trẻ học trường tư trên địa bàn chiếm hơn 30%, chứng tỏ chất lượng đào tạo của họ rất tốt, được nhiều người ủng hộ.

Theo khảo sát, bình quân một học sinh ở thành phố Hà Tĩnh học trường mầm non công lập sẽ phải đóng khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Ở trường tư thục, khoản đóng đậu dao động từ 2 đến 4,5 triệu/tháng.

Trường Mầm non Tân Giang có hệ thống cơ sở vật chất tốt, nhưng không thể tuyển thêm học sinh. Ảnh: Đức Hùng

Trường Mầm non Tân Giang có hệ thống cơ sở vật chất tốt, nhưng không thể tuyển thêm học sinh. Ảnh: Đức Hùng

Ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh giải thích, việc học sinh phải chạy đua suất vào trường mầm non ở TP Hà Tĩnh như năm nay do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là số lớp tăng lên, các đơn vị không tăng được biên chế, dẫn tới thiếu giáo viên và cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Trước kia, các trường mầm non hợp đồng với nhiều giáo viên, trong đó có những người không nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao. Vừa rồi Văn phòng Chính phủ thông báo, chỉ hợp đồng đối với số chỉ tiêu trong biên chế được giao chưa tuyển, còn vượt thì phải cắt giảm.

"Hôm qua, thành phố Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo xin tăng lớp mầm non, Sở Nội vụ đang bàn với Sở Giáo dục xem xét. Còn khoảng 10 ngày nữa là bước vào năm học mới, theo quy trình tuyển dụng thì khó kịp, các đơn vị sẽ phải bổ sung từ từ, nếu khó quá thì địa phương phải linh động sắp xếp", ông Liệu nói.

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây